Saturday, May 17, 2008

Lại nói về tính trung thực của nhà báo

Dưới đây là một đoạn trong bài viết Lại nói về tính trung thực của nhà báo trên trang web của Hội Nhà báo Việt Nam. Đoạn này nói về những chuyện liên quan đến vụ PMU18. Tôi copy đoạn này về đây để làm tư liệu. Không rõ tác giả V.L. là ai.

Lại nói về tính trung thực của nhà báo

5)Trung thực khi thông tin về những vụ việc tiêu cực. Trong cuộc chiến chống tham nhũng và sự tha hoá về phẩm cách của con người, tôi nghĩ, sức mạnh của mỗi bài báo là tính nhanh nhạy của sự phản ánh kịp thời, sốt dẻo, là tính sắc bén của những khía cạnh vấn đề mà tác giả khai thác, khám phá, điều tra. Nhưng, giá trị đó có được thì trước hết là tính chân thực của bài báo và độ chuẩn xác của thông tin, của những chi tiết mà bài báo đưa ra. Giá trị bài báo sẽ mất hết, có khi còn phản tác dụng nếu tác giả làm ngược lại điều đó.

Tôi xin dẫn chứng một vài trường hợp đã xảy ra và có thể còn xảy ra nếu nhà báo thiếu tỉnh táo và còn tiếp tục “lao” theo kiểu “chụp giật” thông tin, chưa có sự kiểm chứng, hoặc không cần kiểm chứng, miễn rằng mình có được thông tin sớm, báo có được sự kiện “tươi rói” để thu hút người đọc và thể hiện tính “vượt trội” của bản báo mình. Kiểu đó không ít nhiều đã gây tai hại cho nhiều phía: Phía người đọc, vì đã nhận nhầm thông tin; Phía toà báo vì cung cấp thông tin thiếu chính xác; Phía cơ quan điều tra mất công thẩm định, kiểm chứng làm rõ; Phía người được báo đề cập thì chịu thất thiệt về uy tín và dĩ nhiên là phản ứng, kêu kiện. Chung quy là nhà báo và toà báo bị suy giảm lòng tin và sự mến mộ của nhân dân và người đọc. Đó là, những trường hợp đã “xảy ra” tại “vụ án PMU 18” sôi động và đang trong quá trình điều tra phá án. Như trường hợp Bộ Công an phải ra thông báo để khẳng định thông tin mà báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh, trong các số báo ra ngày 12 và 13/4/2006 đưa tin có 3 chiếc xe ô tô nghi vấn do Bùi Tiến Dũng mua tặng, trong đó có một chiếc cho con trai một đồng chí lãnh đạo Bộ Công an sử dụng là không chính xác, không có trường hợp nào như vậy và yêu cầu 2 toà báo phải cải chính kịp thời. Lại nữa, cũng có một vài tờ báo ra ngày 16/4/2006 đưa tin: “Cơ quan điều tra đang làm rõ một tin nhắn cho “Dũng Huế” biết sẽ bị bắt sau khi xuống sân bay”. Và Dũng tặng cho một cô bạn gái 1 điện thoại di động và 4 sim”. Các nguồn tin thiếu cơ sở này đã bị thiếu tướng Cục trưởng C14, Phạm Xuân Quắc, Trưởng ban chuyên án 420 B bác bỏ vì thông tin hoàn toàn sai sự thật. Lại một trường hợp nữa, một tờ báo đưa thông tin hoàn toàn không có thật và không có một căn cứ nào về việc Phạm Tiến Dũng – nguyên Trưởng phòng kinh tế – kế hoạch PMU 18 đã nhờ Vũ Việt Dũng (tức Dũng “tôn”). Giám đốc Công ty Bắc Nam đem 50.000 USD đến nhờ tướng Quắc giúp đỡ. Tuy nhiên ông Quắc đã đuổi Vũ Tiến Dũng về. Thông tin “nghe đâu” ấy đã phải khiến tướng Quắc báo cáo với Bộ trưởng Bộ Công an để chứng minh sự thật (tức không thể có chuyện ấy xảy ra đối với một vị tướng nổi tiếng cương trực, thẳng thắn và cương quyết trấn áp tội phạm xưa nay của ông). Và…. không ít trường hợp khác nữa mà báo chí đã “ăn xổi” “ăn non” thông tin mới khai thác, tìm kiếm chưa được xử lý đến nơi đến chốn rõ ràng đối với diễn biến phức tạp của quá trình “Ban chuyên án 420B” đang nỗ lực điều tra, khám phá, phanh phui về PMU 18 để đưa ra ánh sáng “toàn cảnh” của vụ án.

Từ những vấn đề mà tôi đã đề cập trên đây về tính trung thực mà mỗi một người làm báo không thể không “vun đắp”, “tu nghiệp” để xây dựng sự nghiệp làm báo của mình, để thực sự có được danh thơm đúng nghĩa của nó. Chứ không thể dựa vào uy tín cả làng “để ăn theo” trong khi bản thân mình không chịu rèn luyện, tu dưỡng. Nếu vậy, sẽ dẫn đến tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh” cho làng báo chí mà thôi.

Một suy nghĩ nữa, mà tôi cũng muốn được bày tỏ là, một số bài báo hiện nay khi đưa tin đều có câu đề dẫn đầy lấp lửng là “Dẫn theo nguồn tin đáng tin cậy”, không rõ nguồn tin nào do đâu cung cấp và đáng tin cậy chưa? Chỉ cần “trưng” ra thế là lôi cuốn được người đọc và người đọc có thể tin là thật rồi chăng? Và nếu có điều gì xảy ra thì “úm ba la! Chúng ta cùng chịu!”. Thật oái oăm thay cho sự gây “nhiễu” thông tin kiểu “câu khách” thiếu trung thực này!

V.L


7 comments:

  1. Ông VL này tập hợp khá nhiều thông tin bác nhỉ! em thấy cần phải tập hợp thêm mấy cái tin lá cải vớ vẫn nữa để chứng minh nhiều nhà báo ba xu!

    ReplyDelete
  2. ... có khi nào là thế này không bác Đông A:
    1/ nếu ông Quắc & ông Huynh (đến giờ) vẫn ấm chỗ thì đó vẫn là những thông tin "chuẩn xác" & "chânthực".
    2/ bây giờ thì ngược lại (vì 2 ông bị khởi tố rồi) thế là thành "chụp giật", "thiếu kiểm chứng"...
    ... còn bao nhiêu phần trăm sự thật đến được với nhân dân?!

    ReplyDelete
  3. Cứ xem vụ "Vàng Anh" trên Báo điện tử Vietnamnet thì biết, tác giả bài báo công khai & ngang nhiên chụp lại hỉnh ảnh Hoàng Thùy Linh từ đoạn video rồi đưa trình ình lên bài viết. Ban biên tập Vietnamnet ở đâu, đạo đức nhà báo ở đâu?

    ReplyDelete
  4. Nói gì thì nói, nhưng việc bắt nhà báo là không nên. Trong một xã hội dân sự, nếu nhà báo sai thì kiện ra tòa. Uy tín của tòa báo sẽ quyết định sự sống còn của tòa báo đó. Nên việc bắt nhà báo là một hành động hình sự hóa mối quan hệ dân sự. Nếu nói hai nhà báo bị bắt kia là ba xu thì phải coi lại hàng ngũ trong Đảng vì hai ký giả là Đảng viên lâu năm, 1 người còn là bí thư chi bộ, người kia từng tham gia bộ đội. Hay là Đảng không giáo dục họ thường xuyên. Nói tóm lại là Adam Smith sẽ không được trọng vọng ở Việt Nam khi ông nói rằng, một xã hội tốt nhất là một xã hội đựơc cai trị ít nhất. Và Thomas Locke cũng không có đất dụng võ để cổ súy cho một xã hội dân sự, thượng tôn luật pháp khi mọi thứ không được qui định luật pháp rõ ràng. Nếu bắt hai nhà báo Thanh Niên và Tuổi trẻ thì cũng nên bắt thêm nhà báo của báo Tiền phong vì tờ báo cũng được coi đăng nhiều thông tin về PMU 18 "sốc" nhất. Nếu việc thả Nguyễn Việt Tiến là chính xác thì nên cách chức hết các TBT các náo đăng về vụ PMU 18 đi vì đã bôi nhọ cá nhân và kiện ra tòa đòi bồi thường giống như các nước văn minh.  

    ReplyDelete
  5. Bài viết trên được đăng từ ngày 29-7-2006, tức cách đây gần 2 năm rồi, còn trước cả khi ông Quắc nghỉ hưu.

    ReplyDelete
  6. Sao lại có entry của bác Đông A ở blog này? Người trích nó cũng không ghi nguồn, không rõ đã hỏi bác ý kiến bác chưa?
    http://blog.360.yahoo.com/blog-37_nbKUgbr9suInxyVSm?p=10#comments
    Mấy ngày nay cháu thấy có vẻ như đã hình thành một phe phản đối và công kích lại báo chí. Điển hình là blog trên.
    Cháu không biết, không bàn đúng sai cụ thể thế nào. Nếu có như thế, thì có lẽ bác Đông A, đúng hơn là những gì bác viết được lôi về phe này rồi.
    Câu chuyện còn tiếp tục đây.

    ReplyDelete
  7. Tôi không thấy blog trên hỏi gì cả, nhưng blog của tôi ở chế độ public nên tất cả mọi người đều có thể đọc và lưu trữ lại những gì họ thích. Tôi không bao giờ ngăn cấm mọi người copy lưu trữ những thứ tôi viết. Tuy nhiên blog trên không đề nguồn thì thật là không đúng.
    Tôi nghĩ rằng có thể ai đó nghịch ngợm mạo danh ông Nguyễn Việt Tiến, chứ ông Tiến chắc gì đã để ý tới blog.
    Tôi không nghĩ rằng tôi hay những gì tôi viết bị lôi cuốn vào phe phái nào đấy. Những gì tôi viết chỉ là một điểm nhìn tham chiếu vào những vấn đề đang được quan tâm.

    ReplyDelete