Tuesday, January 27, 2009

Những đặc điểm song song giữa Những kẻ thiện tâm và thần thoại Hy Lạp

Bên cạnh cấu trúc tổ khúc vũ nhạc với những đặc điểm phức điệu, tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm của Littell có những đặc điểm song song trùng với thần thoại Hy Lạp. Gạt bỏ những yếu tố hiện đại như khung cảnh chiến tranh thế giới lần thứ hai, cuộc tận diệt người Do Thái, cuộc đời của Aue, nhân vật chính của tiểu thuyết, có những đặc điểm khá giống cuộc đời của Orestes, một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp.

Orestes là con trai của Agamemnon, vua xứ Argos và Clytemnestra. Sau chiến tranh thành Troj, Agamemnon trở về xứ sở của mình thì bị vợ là Clytemnestra câu kết với người em họ Aegisthus giết chết. Trong thời gian Agamemnon tham gia cuộc chiến thành Troj, Clytemnestra dan díu với Aegisthus, và sau khi Agamemnon bị giết họ trở thành vua và hoàng hậu xứ Argos. Orestes được cứu thoát và được gửi tới vua Strophius nuôi dưỡng. Orestes và người con của Strophius, Pylades, trở thành hai người thân mật quấn quít bên nhau. Khi trưởng thành, Orestes cùng với Pylades tìm cách báo thù cho Agamemnon. Orestes đã giết chết Aegisthus và người mẹ ruột của mình, Clytemnestra. Vì giết chết người mẹ của mình, Orestes bị các nữ thần báo thù, Erinyes, theo đuổi trừng phạt và hành hạ. Orestes trở nên điên khùng, mất trí, lang thang suốt cả năm trời. Được sự bảo trợ của thần Apollo và thiện cảm của thần Athena, Orestes được trắng án ở một tòa án thần linh ở Athen. Vì Orestes được trắng án, các nữ thần báo thù Erinyes tức giận và dọa sẽ trừng phạt cả miền Atice. Nữ thần Athena xoa dịu nỗi tức giận của các nữ thần báo thù Erinyes bằng cách hiến cho các nữ thần báo thù Erinyes một hang linh thiêng và được dân chúng Atice thờ phụng quanh năm. Các nữ thần báo thù Erinyes ưng thuận ở lại cái hang linh thiêng và trở thành các thần bảo hộ cho xứ Atice. Từ đây cái tên Erinyes, tức giận, trở thành Eumenides, nhân từ bảo vệ cho miền Atice.

Tên của cuốn tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm có xuất xứ từ từ Eumenides. Đây chính là điểm gợi nhớ tới cuộc đời và số phận của Orestes. Người cha của Aue, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết, tham gia cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, trở về nhà một thời gian và sau đó đi đâu mất tích. Sự mất tích của người cha, không được tác giả dẫn giải tường minh, nhưng đối với Aue đó là lỗi của người mẹ vì người mẹ đã yêu cẩu tòa án tuyên bố người cha đã chết. Như vậy trong cuốn tiểu thuyết, người mẹ không giết người cha một cách thực tế như trường hợp của Orestes mà là giết chết trên giấy tờ. Aue luôn có cảm giác căm thù mẹ vì điểu này. Sau đó người mẹ tái giá với một người đàn ông khác. Suốt khoảng thời gian này Aue không sống cùng mẹ. Sau đấy, một lần Aue trở về thăm mẹ và người dượng, Aue đã giết chết họ. Thật ra, tác giả không viết tường minh rằng Aue đã giết họ. Ở tình huống này tác giả đã sử dụng thủ pháp vô thức và mộng mị của Aue để viết. Aue được hai người hết sức giúp đỡ và che chở, là người chị sinh đôi và người bạn Thomas. Đặc điểm này khá giống người chị Electra và người bạn Pylades của Orestes.
So với thần thoại Hy Lạp, Những kẻ thiện tâm còn đi xa hơn nữa cho Aue và người chị sinh đôi có quan hệ loạn luân với nhau, nhưng lại không cho Aue và Thomas có quan hệ luyến ái thân mật như Orestes và Pylades mà để Aue có những quan hệ đồng tính với những người khác, bù lại kết thúc cuốn tiểu thuyết Aue đã giết chết Thomas. [Quan niệm về quan hệ đồng tính ở thời kỳ Hy Lạp cổ đại khác với thời kỳ hiện đại.] Nhân vật Thomas trong Những kẻ thiện tâm là một nhân vật đặc biệt, dường như là cứu tinh của Aue, một hình thức nửa thần thánh như Apollo, nửa trần tục như Pylades, trong mối quan hệ với Aue khi so sánh với Orestes. Thomas bắt buộc phải chết vì Thomas cần phải ra khỏi cuộc đời của Aue cũng giống như Apollo sẽ hết vai trò của mình khi Orestes được xóa tội. Nhưng để Thomas chết bằng bàn tay của Aue thì rất tàn nhẫn. Nhưng sự tàn nhẫn này có một lý do khác, một vấn đề thuộc về super-ego và liên quan mật thiết tới những vấn đề tiêu diệt người Do Thái đã được loại bỏ khi so sánh Những kẻ thiện tâm với thần thoại Hy Lạp.

Vấn đề Orestes rất khác với vấn đề Oedipus. Nửa đầu của Orestes cho đến khi Orestes bị các nữ thần báo thù truy đuổi khá giống với Oedipus. Tội lỗi là tội lỗi bất kể tội lỗi được thực hiện với lý do gì và phải bị trừng phạt. Nhưng nửa cuối của Orestes lại cho thấy tội lỗi có thể được ân xá với những tình tiết giảm án và sự vị tha của con người. Dường như ở đây đã có sự vắt ngang từ văn hóa Hy Lạp cổ đại tội ác - trừng phạt và văn hóa Do Thái - Thiên Chúa giáo trả thù - vị tha.

Những kẻ thiện tâm dường như là một câu chuyện về Orestes hiện đại được lồng trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai với những sắc thái khủng khiếp và sự sa đọa của super-ego, được viết trong một cấu trúc hiện đại đầy nhạc tính.

No comments:

Post a Comment