Saturday, July 14, 2007

Hiệp

"Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ, người con gái trang điểm cho kẻ mình yêu."

Câu phương ngôn này của người Trung Quốc nói về kẻ sĩ. Tôi nghĩ kẻ sĩ ở đây chính là nho và hiệp. Tư Mã Thiên viết: "Hàn Phi nói: "Bọn nho lấy lời văn làm rối pháp luật, bọn du hiệp lấy võ lực phạm vào việc ngăn cấm." Hai hạng này đều bị chê bai. Tuy vậy các nho sĩ thường vẫn được lời khen." Lời của Thái sử công cho biết trong xã hội Trung Quốc bọn du hiệp thường bị chê bai. Tôi nhớ tới câu phương ngôn này, nhớ tới lời của Tư Mã Thiên này vì đang đọc bài phỏng vấn Nghi ngờ giá trị tinh thần của Thủy Hử của Bill Jenner. Khi nhắc đến tinh thần văn chương thế giới của Goethe tôi đã cảm thấy nghi ngờ liệu có học giả phương Tây nào hiểu được Thủy Hử. Linh cảm của tôi cũng không đến nỗi tệ.

Tại sao một cuốn tiểu thuyết nhất định phải có giá trị tinh thần? Nếu cuốn tiểu thuyết đó không có giá trị tinh thần gì thì nó không có giá trị gì sao? Tiểu thuyết không phải là sách sử, không phải là một thứ Xuân Thu để đề cao đạo lý nào đó, lại càng không phải là một giáo khoa thư về đạo đức. Tiểu thuyết là nơi sáng tạo ra những tình thế nhân sinh, thử nghiệm những trải nghiệm của con người mà khoa học và con người không thể trực tiếp khám phá. Chúng ta không thể biết được liệu có một Lý Quỳ, một Võ Tòng ở ngoài đời thực. Nhưng Lý Quỳ, Võ Tòng trong Thủy Hử là những tình thế nhân sinh, là những trải nghiệm của con người được tưởng tượng ra để khám phá những bản chất thuộc về con người. Thủy Hử là một tác phẩm khám phá bản chất hiệp thông qua những biểu hiện tình thế nhân sinh của nó dưới những hình thức khác nhau. Có cái tình thế nhân sinh của bản chất hiệp ở dạng Lý Quỳ, có cái ở dạng Võ Tòng hay ở dạng Lỗ Trí Thâm. Tôi đọc Thủy Hử đến chỗ Lý Quỳ giết một em bé con quan để ép người gia nhập Lương Sơn, không khỏi khó chịu trong lòng. Nhưng cái khó chịu này cho biết những mặt trái của hiệp. Tiểu thuyết đã cho chúng ta một cuộc thử nghiệm về nhân sinh mà cuộc đời không có được.

Hiệp luôn luôn đi cùng với nghĩa. Cái khó lý giải, khó hiểu nhất trong văn hóa Trung Quốc là nghĩa. Nhị thập tứ hiếu bị đả phá cũng vì chữ nghĩa. Trong Luận ngữ, Khổng tử có nói: "Quân tử chi ư thiên hạ dã, vô thích dã, vô mạc dã, nghĩa chi ư bỉ", người quân tử ở trong thiên hạ, không chủ trương phải làm thế này hay không được làm thế này, mà cứ hợp nghĩa thì làm. Thế nào là hợp nghĩa? Không có một cái nghĩa phổ quát vì nếu có một cái nghĩa như thế thì hóa ra chẳng phải là phải làm thế này, không được làm thế kia còn gì. Nghĩa là một khái niệm địa phương, tùy theo từng người, tùy theo thời gian. Nghĩa linh động, đa dạng, phong phú như cõi nhân sinh đầy ắp con người này. Đọc sách về hiệp phải có cái nhìn bao quát về nghĩa. Nghĩa của mỗi người như một paradigm. Không thể phán xét từ một paradigm này về một paradigm khác.

Trung Quốc có truyền thống văn học viết về hiệp. Từ những truyện truyền kỳ thời Đường như Nhiễm Cầu khách đến Thất hiệp ngũ nghĩa, và cho đến truyện kiếm hiệp ngày nay. Một truyền thống dài hơn cả nghìn năm. Một sức sống bền bỉ đáng kinh ngạc. Thủy Hử nổi bật trên cái phông cả nghìn năm đó, nhìn trước không thấy có ai, nhìn sau cũng "không có ai bè bạn nổi cùng ta". Hiện tượng này đòi hỏi phải có một thẩm mỹ, một lý thuyết văn học cho Thủy Hử. Có thể đã có những lý thuyết văn học để thẩm mỹ Thủy Hử mà tôi không biết. Nhưng ít nhất Thánh Thán đã viết về nó.


No comments:

Post a Comment